Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy

Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy

Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy được tổ chức đúng vào dịp Quốc khánh nước ta, ngày 2/9 hàng năm. Lễ hội được tổ chức tại sông Kiến Giang, là sự kiện văn hóa nổi bật của người dân Lệ Thủy nói chung và dân Quảng Bình nói riêng. Cùng chúng tôi khám phá nét đặc sắc của lễ hội nhé.

Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy
Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy

Nguồn gốc của lễ hội đua thuyền Lệ Thủy

Lễ hội đua thuyền xuất phát từ phong tục cúng lễ cầu mưa và hạ thủy thuyền xuống sông của dân Lệ Thủy trong mùa hạn. Dân làng tổ chức cúng lễ và “hô huầy” đẩy thuyền xuống sông, cầu mưa để lấy nước uống và cày ruộng. Lâu dần tục lệ đã trở thành ngày hội của cả huyện. Các xã trong huyện thi nhau chọn trai, gái bơi giỏi, người lái thuyền tốt, chuẩn bị thuyền thật chắc, thật đẹp để tham gia cuộc thi.

Nét đặc sắc của Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy

Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy
Lễ hội truyền thống độc đáo ở Lệ Thủy

Từ giữa tháng 8, nông dân, trai làng lực lưỡng, chị em phụ nữ của các xã trong huyện đã gác lại công việc đồng áng, chuẩn bị trở thành những vận động viên đua thuyền tốt nhất. Nếu chưa có thuyền dài gấp rưỡi nấc ngang, phải tìm gỗ tốt, mời thợ đóng mới sao cho thuyền thon nhẹ và lướt nhanh. Cùng với việc tuyển chọn tay chầm, tiến hành bơi thử, tìm bạn bơi thử nhằm kiểm tra sức dẻo dai với tốc độ cao trên con đường đua.

Các đội đua thuyền sông Kiến Giang
Các đội đua thuyền sông Kiến Giang

Tham gia lễ hội, nếu là thuyền nam gọi là bơi, thuyền nữ là đua dùng chầm (dầm) hoặc chèo để đưa thuyền lao nhanh về đích. Đường đua dài từ 15km (nữ) đến 24km (nam) theo sông Kiến Giang nên thu hút sự cổ vũ của hàng vạn người dân hai bên bờ sông vào ngày 2/9 hàng năm.

Người dân dọc hai bên sông mang theo cờ hoa, và những vật dụng có thể phát ra âm thanh để cổ vũ cho các thuyền đua. Không khí sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng sông nước Lệ Thủy. Khách thập phương đổ về huyện lỵ, cả những xã miền núi “cơm đùm gạo bới’’ ngủ lại qua đêm chờ xem bơi thuyền.

Sự tưng bừng của lễ hội, sự bình dị của vùng quê Lệ Thủy đã tạo ra một nét đẹp văn hóa rất đặc sắc, rất đậm đà bản sắc dân tộc qua lễ hội đua thuyền truyền thống này. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo được người dân Lệ Thủy gìn giữ để ghi lại công ơn của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người đi trước đã có công lớn trong việc giành độc lập cho dân tộc.

Di sản văn hóa phi vật thể

Không khí náo nhiệt lễ hội đua thuyền
Không khí náo nhiệt trong lễ hội 

Theo Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Lệ Thủy, lễ hội từ một nghi thức tế lễ đã trở thành môn thể thao giàu chất thượng võ gắn với đời sống, sản xuất của người dân vùng sông nước Lệ Thủy.

Lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội cấp tỉnh. Đặc biệt, ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch đã công bố danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy.

Cùng với một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác là hò khoan Lệ Thủy, đây là vinh dự lớn của người dân Lệ Thủy giúp họ phát huy hơn nữa những giá trị truyền thống của lễ hội dân gian giàu tính thượng võ này.