Sông Gianh – Dòng sông lịch sử

Cầu Gianh

Sông Gianh ở đâu?

Sông Gianh thuộc địa phận của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, miền trung Việt Nam. Đây là con sông lớn nhất của Quảng Bình. Con sông bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017m thuộc dãy Trường Sơn.

Dòng Gianh chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch. Cuối cùng sông đổ ra Biển Đông ở Cửa Gianh. Cửa sông có cảng biển là cảng Gianh.

Thượng nguồn Sông Gianh
Thượng nguồn con sông

Cùng với Đèo Ngang, dòng sông này là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Dòng sông trong lịch sử còn được gọi với cái tên là Đại Linh Giang, tức dòng sông linh thiêng.

Sông Gianh có chiều dài 152 km, cắt qua quốc lộ 1A ở tây bắc Cửa Gianh 5 km, có lòng sông sâu, lượng nước chảy mạnh. Dòng chảy lúc hiền hòa, khi khó tính đã che chở cho biết bao thân phận con người trong triền miên đau thương của những cuộc chiến thù trong, giặc ngoài. Lòng sông có 5 cồn và đảo nhỏ trên sông. Trong đó đảo dài nhất khoảng 3,8 km, rộng nhất khoảng 0,8 km. Sông nằm ở vĩ tuyến 17°45′25″B 106°25′10″Đ.

Đua thuyền trên sông Gianh
Đua thuyền trên sông

Sông Gianh và sông Bến Hải – một thời chia cắt hai miền

Nếu như sông Bến Hải là ranh giới hai miền Nam Bắc trong chiến tranh Việt Nam (1955-1975) thì lui về trước đó một chút, chúng ta có sông Gianh là ranh giới giữa hai phe Trịnh – Nguyễn trong suốt thời kì Trịnh – Nguyễn phân tranh (1570-1786). Và trước đó nữa, Đèo Ngang là ranh giới thời Đại Cồ Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập (939).

Đàng trong đàng ngoài
Đàng trong đàng ngoài

Trong cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn, quân Trịnh án ngữ ở Đèo Ngang. Nhưng thực sự ranh giới Bắc Nam là dòng Gianh. Bờ bắc sông có chợ Ba Đồn là nơi quân Trịnh mua đồ ăn uống và trao đổi hàng hóa. Bờ nam sông có một số thành lũy của nhà Nguyễn như Thành Kẻ Hạ (xã Hạ Trạch), Luỹ Thầy (thành phố Đồng Hới) …. Các di tích này hiện vẫn còn. Câu ca dao đầy ẩn ý của người xưa đã diễn tả hình ảnh đất nước một thời chia cắt:

Sông Gianh nước chảy đôi dòng

Đèn chong đôi ngọn anh trông ngọn nào?

Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, con sông này cũng nằm trong “tọa độ lửa đạn” của bom mìn chiến tranh. Cảng Gianh còn được biết đến là điểm xuất phát của tuyến vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi những con tàu không số ngày đêm cảm tử xuôi miền Nam, mang theo sức người, sức của của hậu phương miền Bắc.

Tượng đài chiến thắng sông Gianh
Tượng đài chiến thắng sông Gianh

Cầu sông Gianh

Sông Gianh đã trải qua mưa bom bão đạn, dòng sông mang trên thân mình đầy chứng tích chiến tranh và cả những chiến công. Dòng Gianh nay đã nối đôi bờ bằng chiếc cầu kết cấu vĩnh cửu từ bê tông cốt thép. Cầu Gianh được khởi công xây dựng vào năm 1995 và hoàn thành năm 1998 với chiều dài hơn 746m, rộng hơn 12m. Cầu Gianh đã giúp kết nối đôi bờ, giúp tuyến đường huyết mạch quốc gia 1A với lượng lớn xe cộ được lưu thông thuận lợi.

Cầu Gianh
Cầu Gianh

Hôm nay, Tượng đài chiến thắng Sông Gianh, cảng Gianh, cầu Gianh… vẫn hiên ngang đứng đó, là minh chứng cho lịch sử và sự sống đi lên của vùng đất nơi đôi bờ con sông huyền thoại này.