Đèo Ngang – Điểm ngắm cảnh nên thơ

Trong các điểm du lịch Quảng Bình, đèo Ngang là điểm cuối cùng phía Bắc. Đây là địa điểm dành cho các bạn trẻ đam mê phượt, check-in. Tuy có thể được nghe nhiều, biết nhiều nhưng cảnh sắc nơi đây vẫn khiến ta ngỡ ngàng. Đừng quên địa danh này khi ghé thăm Quảng Bình các bạn nhé.

Đèo Ngang nằm ở đâu?

Đèo Ngang nằm trên trục đường Quốc lộ 1A, ôm gọn dãy Hoành Sơn và đi qua 1 phần của dãy Trường Sơn. Đèo có chiều dài 6 km, đỉnh cao nhất khoảng 250 m. Đây là con đèo được xem là ranh giới của 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Đèo Ngang xưa

Trong đó phía bắc thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đèo Ngang cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh 75 km. Phía Nam thuộc địa phận huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đèo cách thị trấn Ba Đồn 24 km và cách trung tâm thành phố Đồng Hới 80 km.

Đèo Ngang nay

Đèo Ngang với lịch sử

Đèo Ngang còn có giá trị lịch sử quan trọng, nơi đây đã từng là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa.

Theo sử cũ thì đường thông qua Đèo Ngang đã có 1000 năm nay, từ thời vua Lê Đại Hành (980 – 1005). Nhưng phải đến 500 năm sau thì Hoành Sơn – Đèo Ngang mới được biết đến nhiều. Từ đó đèo này trở thành điểm xung yếu chia cắt Đàng Ngoài – Đàng Trong. Từ thời vua Lâm ấp đã cho xây luỹ để chống giữ quân Tấn và đến thế kỷ XVII, quân Trịnh lại một lần nữa xây dựng hệ thống đồn luỹ ở đây, gọi là luỹ Đèo Ngang hay luỹ ông Ninh. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, con đèo là cửa ngõ vào Nam ra Bắc.

Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan (cửa Hoành Sơn) ở đỉnh đèo. Cổng cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa có ba chữ nổi Hoành Sơn Quan. Hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc. Nay Hoành Sơn Quan vẫn còn, không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.

Hoành Sơn Quan
Hoành Sơn Quan

Hình ảnh được tả trong bài thơ “Qua đèo Ngang”

Đèo Ngang là con đèo lịch sử đã đi vào ca dao, huyền thoại. Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát… đã đưa nơi đây vào những tuyệt phẩm thơ cổ. Đặc biệt, bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan rất nổi tiếng. Trong bài thơ hình ảnh con đèo như bức tranh thủy mặc. Cùng với đó là nỗi niềm được gieo vào những vần thơ khiến nó trở nên thật “hữu tình”.

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Hầm đèo Ngang

Hầm chính dài 495 m cộng với hệ thống đường dẫn toàn tuyến dài hơn 2 km. Hầm có chiều rộng 11,5m, cao 7,5m với 6 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m. Nhiều bạn trẻ đi qua đây vẫn chọn tuyến đường đèo để chiêm ngưỡng phong cảnh. Công việc xây dựng bắt đầu từ tháng 4 năm 2003 và hoàn thành vào tháng 8 năm 2004. Chủ đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ này là Tổng công ty Sông Đà.

Hầm đèo Ngang
Hầm đường bộ qua đèo

Phong cảnh đèo Ngang

Trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan, nơi đây xuất hiện tựa như một bức tranh trầm mặc. Cảnh chiều tà nhuộm nỗi buồn man mác, khiến bạn phải bâng khuâng bồi hồi. Tới khi được tận mắt phong cảnh nơi đây, càng khiến bạn mê mẩn.

Quang cảnh làng quê
Quang cảnh làng quê

Một bên là rừng xanh với những làn khói trắng, một bên là vực thẳm xa xa là những làng quê ven biển. Chẳng lạ khi nó làm rung động tâm hồn bao nhiêu thi sĩ. Tới đây, ngoài phong cảnh thiên nhiên bạn còn được hưởng khí trời mát lạnh. Cùng với đó là những âm thanh núi rừng trong trẻo, sự khoáng đạt của cây cỏ đất trời.

Nằm không xa phía Nam chân đèo là Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Bạn có thể vừa trèo đèo ngắm cảnh kết hợp với thăm đền thờ cầu tài, cầu sức khỏe.