Làng nghề bánh tráng Tân An Quảng Bình

Ở tại Quảng Bình, có một làng với cái nghề bánh tráng từ thời xa xưa của cha ông ta để lại. Làng nghề bánh tráng Tân An, nơi lưu giữ những nét xưa cổ của nghề làm bánh tráng. Làng Tân An là một làng nhỏ, ven bờ sông Gianh thuộc xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch cách thị trấn Ba Đồn tầm 4km.

Tân An từ trên cao
Một thoáng Tân An – Ảnh chụp trên cao

Nơi đây, nghề làm bánh tráng là nghề gia truyền đã được xem là nét văn hóa Quảng Bình. Du khách khi ghé thăm Tân An sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì sự cổ kính của ngôi làng này. Mọi thứ đều đơn sơ và mộc mạc tạo cho những người đến đây cảm giác yên bình của một miền quê.

Làng bánh tráng Tân An
Đoạn đường làng Tân An trải dài bánh tráng

Đường vào làng khá nhỏ chỉ vừa đủ một chiếc xe ô tô đi vào. Du khách đến đây sẽ phải ngỡ ngàng lắm, vì dọc theo hai bên đường người dân phơi bánh tráng chằng chịt cả con đường, chẳng tìm ra chỗ hở nào. Bao quanh là những ngôi nhà nhỏ san sát nhau. Phía trước làng là dòng sông Gianh, nước sông Gianh lúc nào cũng xanh và yên bình. Đến lúc chiều về lúc thủy triều lên, nước ở đây lại thay màu áo mới.

Tại sao người Tân An vẫn giữ nghề làm bánh?

Khi nhắc đến Tân An thì người ta cũng sẽ nhắc tới bánh tráng. Bởi lẽ, từ xưa đến nay người dân nơi đây chỉ có làm mỗi một nghề này. Người dân Tân An xem cái nghề làm bánh như là dòng máu chảy trong con người mình vậy. Có khó khăn, vất vả đến mấy cũng sẽ không từ bỏ cái nghề này. Làng nghề như một nét văn hóa riêng biệt của Quảng Bình vậy. Bánh tráng thì phải là bánh tráng Tân An thì ăn mới ngon. Nên đây là nơi cung cấp bánh cho cả tỉnh và các tỉnh thành khác.

Làng bánh tráng Tân An
Từ người già đến trẻ nhỏ trong làng đều học cách làm bánh

Bánh tráng từ xưa đến nay đều được làm thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây. Bên cạnh bếp lửa cháy đỏ, dù trời nắng hay trời mưa. Tuy nhiên, đến nay người dân đã biết sử dụng máy để làm một số khâu, nhằm tiết kiệm thời gian và công sức.

Bánh tráng Tân An làm như thế nào?

Nguyên liệu chính để làm bánh là loại gạo ngon, được ngâm trong nước và sàng lọc, vo kỹ trước khi đem xay nhuyễn thành bột. Chất lượng và vẻ ngoài hấp dẫn của mỗi chiếc bánh mè xát phụ thuộc rất nhiều vào lớp mè đã xát vỏ. Nếu trộn mè vào bột nước đậm quá thì chiếc bánh làm ra sẽ không kết hợp hài hòa được giữa mùi thơm ngào ngạt của lúa gạo và vị bùi ngậy của hạt mè. Còn tỉ lệ mè trong bánh quá nhạt thì cho ra vẻ ngoài không bắt mắt và còn ảnh hưởng đến mức độ hài hòa của bánh.

Bánh tráng Tân An
Công đoạn tráng bánh đưa lên khay phơi

Trong quá trình làm bánh, mỗi chiếc bánh từ trên lò xuống chỉ mới là hoàn thành được một nửa. Khâu quan trọng nhất là phơi bánh, bánh lúc phơi người làm phải thường xuyên kiểm tra độ giòn của bánh, đến vừa đủ thì mang vào. Nếu trời nắng gắt thì phơi đến lúc bánh đủ độ giòn, thơm của vừng thì phải thu vào. Nếu phơi quá nắng bánh sẽ bị giòn và gãy, mất vị thơm của hạt mè. Còn trời không có nắng thì bánh sẽ bị ỉu, không giòn và mè sẽ không thơi. Những mẻ bánh đấy xem như là hỏng và sẽ không được tiêu thụ.

Bánh tráng Tân An có bao nhiêu loại?

Từ một loại bánh mè xát mà người dân ở đây chế biến thành 3 loại khác nhau. Người ta giã mịn hạt mè trộn với bột gạo rồi đem tráng ra thật mỏng dùng để làm ram cuốn hay bánh cuốn với rau, thịt, cá, ăn cũng hết sức hấp dẫn. Tiếp đến là bánh mè xát dày là loại bánh tráng theo kiểu truyền thống. Bánh này khi nướng lên có một lớp mè có màu nâu nhạt, trông rất bắt mắt. Cuối cùng là bánh mè xát đường, có vị ngọt thanh đặc trưng, thích hợp nhất cho việc ăn vặt, nhấm nháp lúc thảnh thơi…

Bánh mè xát Tân An
Bánh mè xát – Món bánh đặc trưng tại đây

Làng Tân An có hơn 200 hộ làm bánh tráng, ngày xưa người ta làm thủ công nên phải chịu thương chịu khó lắm mới theo được nghề này. Bây giờ công nghệ phát triển hơn thì cũng đỡ ra nhiều, nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào tay người làm. Du khách tới đây không chỉ được học cách làm bánh, tham quan cảnh vật ở nơi đây. Mà nếu may mắn du khách sẽ được tham gia hội làng được tổ chức hàng năm.

Làng Tân An như tách mình ra khỏi những ồn ào ngoài kia. Mà vẫn mang cho mình một khung cảnh bình yên nơi làng quê, không xồ bồ, chật chội. Người ta sống với nhau bằng sự chân thành, tình nghĩa làng xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”.